Đau cơ bắp chân là một tình trạng rất phổ biến. Hầu như mọi người đều từng trải qua cảm giác này, cùng chuyên mục thể thao và sức khỏe tìm hiểu cách chữa đau cơ bắp chân qua bài viết dưới đây.
Đau nhức cơ bắp là gì?
Đau nhức cơ bắp, hay đau cơ, là tình trạng bạn cảm thấy đau hay nhức mỏi một hay nhiều nhóm cơ trên cơ thể. Nó có thể liên quan đến dây chằng, gân, các mô mềm liên kết giữa cơ, xương và các cơ quan.
Bởi vì cơ bắp có ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể nên tình trạng đau nhức có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, ví dụ như đau cơ cổ, đau cơ lưng, đau cơ hông… Bạn cũng có khi cảm thấy đau nhức ở nhiều cơ bắp khác nhau cùng lúc.
Tình trạng này không được xem là một bệnh lý mà chỉ là một triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như chấn thương, vận động quá mức, bệnh cơ xương khớp…
Nguyên nhân đau cơ bắp chân
Các nguyên nhân phổ biến gây đau bắp chân như:
Chuột rút cơ bắp chân: khi cơ bắp chân bị chuột rút, nếu cơ chân bạn co giãn kém hoặc cơ yếu sẽ khiến bạn khó chịu, đau đớn rất nhiều.
Căng cơ bắp chân: Điều này rất dễ xảy ra khi bạn vận động, tập luyện hay làm việc quá sức, khiến một phần hoặc toàn bộ các sợi cơ của cơ bắp chân bị tổn thương, co giãn, kéo căng quá mức gây ra các cơn đau nhức. Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột hay khi bạn chạm, tác động lực vào bắp chân.
Đau cách hồi động mạch: Đây là tình trạng xảy ra khi các động mạch mang máu đến chân bị thu hẹp, tắc nghẽn, từ đó gây đau, có thể do bạn đi bộ nhiều, lượng máu đến bắp chân không đủ cung cấp.
Đau cách hồi thần kinh: Khi các dây thần kinh kiểm soát chân bị chèn ép, khiến sự “giao tiếp” đến phần dưới của chân không còn chính xác gây đau. Hoặc do các xương cột sống bị hẹp và chèn ép lên các dây thần kinh, gây đau dọc cẳng chân và bắp chân, đau ngay cả khi bạn nghỉ ngơi.
Đau cơ bắp chân là dấu hiệu của bệnh gì?
Ngoài nhiều lí do nêu trên, đau bắp chân cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý sau:
Suy tĩnh mạch: Các tĩnh mạch vùng bắp chân, bàn chân bị giãn rộng, phình to khi có dòng máu chảy ngược lại do các van trong tĩnh mạch bị tổn thương,có thể dễ dàng nhìn thấy chúng nổi trên bàn chân, bắp chân,sẽ gây ra các triệu chứng gồm đau chân, nhức nhối, chuột rút bàn chân, bắp chân.
Tắc mạch máu: Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này bắt nguồn từ các bệnh lý như: xơ vữa động mạch, viêm nội mạc động mạch, hẹp tắc lòng mạch,…. dẫn đến thiếu máu và rối loạn dinh dưỡng vùng chân, nếu để bệnh kéo dài, không chỉ gây đau nhức bắp chân, còn có thể gây hoại tử ngón chân, bàn chân. Ngoài ra, khí hậu lạnh ẩm, chế độ ăn uống thiếu chất, tình trạng căng thẳng kéo dài, các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, … cũng là các yếu tố thuận lợi cho bệnh hình thành và phát triển.
Viêm gân Achilles: Dây chằng Achilles là một băng nối bắp chân với xương gót chân, khi bắp thịt bị bó quá chặt, sẽ gây áp lực lớn lên gân Achilles gây đau nhức bắp chân.
Hội chứng chèn ép khoang: Khi hí huyết dư thừa và tích tụ bên dưới một dải mô cứng ở chân, sẽ tạo áp lực lên dây thần kinh và mạch máu ở bắp chân gây đau.
Viêm gan chân: Đây là tình trạng khi cơ bắp chân quá chặt, khả năng co giãn kém, không thể hỗ trợ cho bàn chân, khiến gân mặt bàn chân bị ảnh hưởng, gây nên các cơn đau bắp chân lan xuống bàn chân khi vận động.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Tình trạng này là do sụ hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch chân khi bạn ngồi lâu tại một vị trí (như trên máy bay, có huyết áp cao, rối loạn đông máu, nằm trên giường bệnh lâu ngày không vận động,…). nếu không được xử lý, tình trạng có thể khiến toàn bộ khu vực ở chân bị đỏ, sưng viêm máu lưu thông kém.
Cách chữa đau cơ bắp chân hiệu quả
Một điều cần ghi nhớ khi bạn bị đau căng cơ bắp chân khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh là bạn phải dừng ngay các việc lao động, tập luyện lại. Ngay lập tức bạn chườm lạnh cho vùng bị căng cơ.
Phương pháp chườm lạnh được biết là rất hữu hiệu khi bị chấn thương cấp tính. Chườm lạnh sẽ giảm lượng máu lưu thông về khu vực được chườm, giúp giảm sưng tấy quanh chấn thương cũng như giúp giảm đau một cách tức thời. Bạn có có thể sử dụng chườm lạnh như một cách chữa căng cơ bắp chân hiệu quả theo hướng dẫn dưới đây :
Dùng khăn bọc viên đá lại và chườm lạnh ngay tại chỗ 10 – 15 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ
Tránh không để viên đá lạnh trực tiếp lên vùng bị căng cơ
Cần lưu ý để cho khu vực bị chấn thương trở lại nhiệt độ bình thường trước khi chườm lạnh một lần nữa
Có thể thực hiện việc chườm lạnh này nhiều lần trong ngày và có thể chườm lạnh trong 1 – 3 ngày đầu sau khi bị thương
Tuy nhiên bạn cần lưu ý là không nên chườm một lần quá lâu để đề phòng biến chứng, tránh tình trạng gây tụ máu hay chảy máu. Với những ngưởi có tuần hoàn kém, dễ bị hạ nhiệt độ cơ thể thì không nên chườm lạnh và cần lưu ý không chườm lạnh nếu da bạn đang ở điều kiện kém hoặc bị rách và trầy da.
Ngoài ra, khi bị căng cơ bạn cần tránh những loại hình thể thao hoặc hoạt động với cường độ mạnh vì chúng đều không tốt cho cơ thể bạn trong thời điểm này. Ngoài ra, bạn cần điều chỉnh thể lực, giảm bớt khối lượng tập hoặc chọn một thể thức tập luyện khác, nên nghỉ ngơi sau khi tập thể dục vừa phải.
Với những tổn thương nhẹ, bệnh nhân sẽ có thể phục hồi hoàn toàn sau khi điều trị được 2-3 ngày. Người bệnh lúc này sẽ có thể tập luyện nhẹ nhàng (khoảng 50% sức) và tăng từ từ để cơ thể dễ thích nghi. Trường hợp chấn thương nặng hoặc đã qua sơ cứu nhưng hoạt động vẫn còn khó khăn, cơn đau kéo dài hơn 2 tuần thì bạn nên đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt. Tránh những biến chứng không mong muốn.